Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Vì sao tôi ủng hộ nghệ thuật Công giáo?

Đang ủng hộ các khuynh hướng nghệ thuật đương đại, hậu hiện đại, tôi lại "chuyển sang" ủng hộ nghệ thuật Công giáo. Anh em, bạn bè, nhiều người thân quen đã hỏi tôi vì sao như thế?

Thường, tôi chỉ cười! Riêng ở đây, tôi xin trả lời vắn tắt mấy lý do chính:

Một, tôi vốn được sinh ra trong một gia đình Công giáo, lớn lên trong môi trường văn hóa Công giáo, và đặc biệt, được tiếp xúc với nghệ thuật Công giáo rất sớm. Từ khi mới 10 tuổi, tôi đã xem rất nhiều sách về nghệ thuật Công giáo. Bởi là người-Công giáo, hàng ngày phải học Giáo lý, đọc Kinh Thánh và các loại sách truyện Công giáo, tôi dễ dàng hiểu ý nghĩa của những tranh, tượng chủ đề Công giáo in trong sách. Đồng thời, chính hình ảnh trong các tác phẩm nghệ thuật lại đặt ra những câu hỏi khiến tôi phải lần ngược lại các vấn đề trong Kinh Thánh, cả các vấn đề trong lịch sử của Giáo hội và Thần học. Bức tranh Thánh Augustinô có ảnh dưới đây, tôi xem lần đầu tiên vào năm học lớp năm. Đến nay, tôi vẫn nhớ như in lời người anh thứ năm của tôi giải thích ý nghĩa của bức tranh này.

Thánh Augustinô của Rubens, vẽ năm 1636-1638


Anh nói, đại khái: "Thánh Augustinô được xem là vị Thánh của trí tuệ. Ông đã từng nghĩ , bằng lý trí , con người có thể giải thích được sự hiện hữu của Thiên Chúa và ý nghĩa của tồn tại. Cả thời gian dài, ông đắm đuối trong suy tư đó. Dọc bờ biển hàng ngày ông vẫn đi qua, ngày nào ông cũng thấy đứa bé đang mải miết múc nước biển đổ vào một cái hố nhỏ. Có lần, ông đã dừng lại hỏi đứa bé: "Con đang làm gì mà kiên trì vậy?". Đứa bé trả lời: "Con sẽ múc hết nước biển và cái hố nhỏ này!". Ông bật cười: "Làm sao được, biển mênh mông thế kia, còn cái hố bé tí...!". Đứa bé đã nói lại với ông: "Cũng giống ông thôi, lý trí con người có hạn làm sao giải thích được sự vô tận của Thiên Chúa!" Nói xong, đứa bé biến mất. Từ đó, Thánh Augustinô đã ngộ ra: Thiên Chúa là một siêu lý và là một ngoại lý, người ta chỉ có thể chứng nghiệm về Thiên Chúa thông qua đức tin..."

Những câu: "Thiên Chúa là một siêu lý và là một ngoại lý, người ta chỉ có thể chứng nghiệm về Thiên Chúa thông qua đức tin..." đã ám ảnh tôi, đã dẫn tôi vào vô số vấn nạn thần học và triết học. Nó là một trong những "đường dẫn" trong hành trình tri thức và nhận thức của tôi suốt cả thời gian dài mười mấy hai chục năm sau đó... 

V.v...

Bây giờ, viết về nghệ thuật Công giáo, với tôi, đơn giản chỉ là chuyện viết ra những gì vốn có trong gan ruột của mình, là lấy ra những gì sẵn có trong túi của mình...

Đã lâu lắm rồi tôi không đi lễ nhà thờ. Và điều này, làm cho người thân trong gia đình phiền lòng. Việc viết và ủng hộ nghệ thuật Công giáo này của tôi, trước hết, là để làm an lòng những người thân đó, đặc biệt là ba tôi, người năm nay đã hơn 90 tuổi và vẫn lo lắng về "phần hồn" của con mình.


Hai, bởi đã đi khá xa trên con đường nghệ thuật, và đã lặn khá sâu trước các vấn đề văn hóa và xã hội của nghệ thuật, càng ngày, tôi càng nhận ra rằng, sự thực, nền nghệ thuật Việt Nam hiện tại, sẽ khó lòng đổi mới nếu thiếu một sự hiểu biết đầy đủ về nghệ thuật phương Tây (dù sao nghệ thuật phương Tây cũng đã là vùng ảnh hưởng "truyền thống" của nghệ thuật hiện đại Việt Nam), mà nghệ thuật phương Tây, về căn bản, ít nhất từ thế kỷ 19 trở về trước, là nghệ thuật Công giáo...

Trong rất nhiều năm qua, ở Việt Nam, chúng ta đã rất bất cập trước yêu cầu này.

Bao lâu nay, khi nói về nghệ thuật, hầu hết người Việt Nam, chỉ quan tâm đến vấn đề cái đẹp hiểu theo nghĩa "cân bằng thị giác" và những qui phạm mang tính khuynh hướng (Thực chất với số đông, vẫn sa đà trong các khuynh hướng “minh họa” với “truyền thần”...). Hầu như chưa có sự đào sâu nào vào sự vận động, phát triển của ngôn ngữ nghệ thuật. Thiếu sự hiểu biết này, chúng ta trở nên mù...

Nếu tìm hiểu sâu vào nghệ thuật Công giáo, chúng ta sẽ có cơ hội hiểu quá trình "biểu tượng hóa" của tư duy thị giác đến quá trình "hiện thực hóa" và "lãng mạn hóa" theo cái nhìn tự nhiên, đến quá trình "siêu hình hóa" theo cái nhìn văn hóa... v.v... đã diễn ra như thế nào, và sự tương tác, hòa trộn của chúng trong thực tế ra làm sao trong không gian xã hội đương đại. Đây là cơ hội giúp giải phóng tầm nhìn, mở rộng các đường biên của tâm thức v.v...

Viết về nghệ thuật Công giáo, bởi vậy, là một phần việc trong chương trình làm việc của tôi, với hy vọng sẽ đóng góp được một điều gì đó, có ích cho mỹ thuật Việt Nam. Chữ "chuyển sang" ở trên đầu, tôi phải bỏ trong ngoặc kép là do vậy.


Ba, ở góc độ văn hóa, trong thời điểm hiện nay, nếu đặt vấn đề phục hưng văn hóa Việt Nam, có thể bị xem là một ảo tưởng (mà thực tế là như vậy!), nhưng đặt vấn đề phục hưng văn hóa Công giáo thì lại có cơ sở thực tế. Và, điều này có ý nghĩa góp phần tạo cơ sở phục hưng văn hóa Việt Nam thích nghi với môi trường toàn cầu hóa.

Đây là một luận đề lớn, dễ gây tranh cãi và, để phân tích cặn kẽ sẽ rất dài dòng...

Ở đây, tôi xin nói ngắn gọn: như đã nói, tôi lớn lên trong môi trường văn hóa Công giáo, tôi hiểu các yếu tố làm nên giá trị của nó, và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống. Không phải ngẫu nhiên, hình ảnh Chúa Giêsu vẫn hay được dùng như một biểu tượng của tinh thần dấn thân, của cách mạng, và hình ảnh Đức Mẹ Maria vẫn hay được dùng như một biểu tượng của sự hy sinh và đức kiên trinh...

Chỉ riêng những biểu tượng, những giá trị này thôi, khi "phục sinh", cũng đã có ý nghĩa hết sức to lớn cho sự thức tỉnh thúc đẩy cho sự phục hưng văn hóa Việt Nam... Dưới đây là một bức tranh Nga nổi tiếng mà bất cứ ai am hiểu lịch sử nghệ thuật Nga đều biết, nó đã có ý nghĩa như thế nào đối với người Nga giữa thế kỷ 19.

The Appearance of Christ before the People by Alexander Ivanov (1837-57)


Và ngay cả bức này của Ivan Nikolaevich Kramskoi cũng vậy. Trong bối cảnh xã hội Nga cuối thế kỷ 19, nó đã tạo nên một sự xúc động lớn, đặc biệt, đối với giới trí thức...

Ivan Nikolaevich Kramskoy, Christ in the Wilderness, 1873, Oil on canvas, Tretjakov Gallery, Moscow



Tóm lại, tôi ủng hộ nghệ thuật Công giáo, vì tôi vốn là người Công giáo, vì tôi có thể làm được một điều gì đó trong khả năng và điều kiện của mình, nhưng quan trọng hơn hết, vì tôi tin, sự phát triển của nghệ thuật Công giáo ở Việt Nam, không chỉ có tác dụng chấn hưng văn hóa Công giáo Việt Nam, mà còn góp phần không nhỏ trong việc chấn hưng văn hóa nước nhà…

Để chứng minh cho niềm tin của mình, tôi xin tiếp theo với câu hỏi thứ hai




(Trích tham luận đọc tại Hội nghị về Nghệ thuật Thánh-Công giáo)



Nguyên Hưng








Không có nhận xét nào: