Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Nghệ thuật có thể làm được gì cho Giáo hội?

Qua lịch sử, có thể nhận thấy, nghệ thuật có thể làm được nhiều điều:


1/ Tạo ra một hệ thống tín hiệu thị giác (tranh, tượng, các ấn phẩm, biểu trưng và không gian kiến trúc...) không chỉ có tác dụng mang hình ảnh Thiên Chúa đến gần hơn với mọi người-kích thích những suy tưởng, suy ngẫm hướng về Thiên Chúa-nuôi dưỡng đức tin, mà rộng hơn, còn góp phần tạo nên một môi trường văn hóa Công giáo-nuôi dưỡng một mối đồng cảm chung, tạo nên ý thức tự giác về một tương lai chung, một trách nhiệm chung nơi cộng đồng giáo dân. Đây cũng là một trong những yếu tố hết sức cơ bản để duy trì sự tồn tại và phát triển của bản thân Giáo hội...

Chúng ta đã biết, từ khởi thủy, Giáo hội đã quan tâm đến khía cạnh này của nghệ thuật, kể cả trong giai đoạn mà khuynh hướng bài trừ ảnh tượng có sức mạnh áp đảo…

Trong tầm nhìn đương đại, như chúng ta cũng đã biết, văn hoá, trước hết và cơ bản hơn hết, là một hệ thống ký hiệu, một môi trường ký hiệu. Chính sự phong phú, đa dạng và sự năng sản của hệ thống ký hiệu này thể hiện sức sống, sự năng động và duy trì sự sống, khả năng phát triển của một nền văn hoá… Nghệ thuật là một trong những thành phần cơ bản giúp định hình và phát triển hệ thống ký hiệu văn hoá đó…  

"Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng"-sơn mài-Nguyễn Phước-1990



2/ Sự định hình một thiết chế văn hóa nghệ thuật Công giáo, bao gồm các hoạt động sáng tác và triển lãm, phê bình, diễn dịch, truyền thông và giao lưu, hoạt động khảo cứu và bảo tồn, bảo tàng v.v… luôn luôn có tác dụng mở rộng không gian và đa dạng hóa các hoạt động giao tiếp giúp thắt chặt và phát triển quan hệ cộng đồng Công giáo…

Có lẽ, tất cả chúng ta ở đây đều đã biết, một bảo tàng nghệ thuật Công Giáo, các cuộc triển lãm tranh tượng và giao lưu giữa nghệ sĩ với công chúng, các lớp dạy vẽ và các cuộc thi sáng tác nghệ thuật cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi v.v… có tác dụng nuôi dưỡng đức tin và phát triển tín đồ, nhiều khi, còn hơn cả các hoạt động rao giảng nơi nhà thờ…

Thực tế cho thấy, nghệ thuật ở khía cạnh sinh hoạt, luôn có tác dụng lôi kéo giới trẻ, giới trí thức và tầng lớp trung lưu-những thành phần rất sao nhãng với các hoạt động tôn giáo nơi nhà thờ. Sự định hình các thiết chế văn hóa nghệ thuật Công giáo với các hoạt động cụ thể, bởi vậy, sẽ có tác dụng nuôi dưỡng đức tin và gìn giữ quan hệ tôn giáo nơi các thành phần này…

Tóm lại, có thể nói, chỉ riêng ở khía cạnh sinh hoạt, nghệ thuật có thể tham gia vào quá trình định hình một nền tảng Văn hoá Công Giáo là yếu tố quyết định cho sự tồn tại và phát triển của bản thân đạo Công Giáo. Đặc biệt là trong bối cảnh thời đại ngày nay, khi mà các khuynh hướng duy lý và lối sống thực dụng đang có những ảnh hưởng nặng nề…

"Đêm Thánh"-sơn mài-Nguyễn Gia Trí-1941. Tác phẩm này, đang treo ở gian Thánh nhà thờ Mai Khôi-Tú Xương-Q3, TP HCM


3/ Nghệ thuật trong ý nghĩa là sự trình hiện trực tiếp các suy nghiệm, chứng nghiệm của người nghệ sĩ trong đức tin tôn giáo, và bằng “cái đẹp”, tác động trực tiếp đến tình cảm người xem…, luôn luôn có khả năng vượt qua các rào cản của “chủ nghĩa duy lý”, các khuynh hướng “duy khoa học” và “dị biệt văn hóa”, kể cả sức ì bởi các khuynh hướng bảo thủ có thể có nơi bản thân Giáo hội.

Chính thuộc tính với khả năng này, đã biến lịch sử nghệ thuật Công giáo trở thành lịch sử của một cuộc hòa giải vô tận giữa con người với chính mình trước đức tin tôn giáo, và, đã dẫn đến sự “biến hình” vô tận của Thiên Chúa trong nghệ thuật-mang “Tin mừng” đến những miền tâm thức và văn hóa khác nhau.

Có thể nói, chính các hoạt động bảo trợ cho nghệ thuật, cách nhìn cởi mở của Giáo hội đối với nghệ thuật, và các thành quả rực rỡ của nó ở thời Phục Hưng, là một trong các yếu tố có ý nghĩa hết sức quyết định giúp Giáo Hội chống chọi  được với các phong trào ly khai đương thời và cả với các khuynh hướng duy lý sau này. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đã tồn tại như những mối dây kết nối vừa mang tính thế tục vừa thiêng liêng giữ gìn quan hệ của mỗi người với “Thiên Chúa”, với các tín điều tôn giáo…

Sự phát triển của các nền nghệ thuật Công giáo mang tính địa phương ở khắp nơi trên thế giới từ thế kỷ XIX cho đến nay, cũng vậy, thực sự đã có ý nghĩa chứng minh cho sức mạnh “Ngôn sứ” này của nghệ thuật. Về mặt tâm lý, chúng ta có thể nói, chính nhờ “cái đẹp” mà người ta dễ tin hơn vào “cái chân”, “cái thiện”, và do đó, mà dễ gần “Thiên Chúa” hơn…!

Giáng sinh-sơn dầu-Nguyễn Anh-1961



4/ Cuối cùng, qua sự phát triển với những thành tựu rực rỡ của nghệ thuật Công giáo, chúng ta có thể nhận thấy, nghệ thuật không chỉ mang lại những giá trị mới mẻ trong đời sống tôn giáo, mà còn thông phần “Phục sinh” Thiên Chúa trong những giá trị mới mẻ của thời đại. Trong nghệ thuật và qua nghệ thuật, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa không chỉ là nguồn an ủi mà còn mang lại sự phong phú cho đời sống tinh thần con người; Thiên Chúa không chỉ là nguồn hy vọng mà còn là thực tại trong tính toàn vẹn của nó…

Nói cách khác, chính nghệ thuật, bằng “cái đẹp” với “chân tính và thiện tính” của nó, đã đưa mọi người đến với Thiên Chúa bằng niềm vui và sự hòa điệu…

Khả năng là vậy, nhưng như chúng ta đều biết, từ khả năng đến hiện thực là cả một chặng đường dài tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện thực tế và sự cố gắng của con người…

Tiếp  theo, tôi xin trình bày nhận định của mình về tình trạng của nghệ thuật Công giáo ở Việt Nam hiện nay, và các hệ quả, hệ lụy của nó.

Và, ở phần cuối cùng, tôi xin trình bày, nếu đặt mình ở vị trí của Giáo hội, tôi sẽ làm gì để tận dụng hết các khả năng của nghệ thuật vượt qua những khó khăn trước mắt...


(Trích tham luận đọc tại Hội nghị về Nghệ thuật Thánh-Công giáo)



Nguyên Hưng












Không có nhận xét nào: